top of page

LƯỢC SỬ VỀ NGHIÊN CỨU TẾ BÀO GỐC

 

 

 

I. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TẾ BÀO GỐC NGOÀI NƯỚC

            Lịch sử của nghiên cứu tế bào bắt đầu vào những năm giữa 1800 với khám phá một số tế bào có thể tạo ra các tế bào khác. Trong những năm đầu 1900, tế bào gốc thật sự đầu tiên được khám phá khi nhận thấy một số tế bào có thể tạo ra tế bào máu.

            Lịch sử nghiên cứu tế bào gốc bao gồm các các nghiên cứu về tế bào gốc người và động vật. Dựa vào tiềm năng, người ta chia thành một số loại tế bào gốc, trong đó có 3 loại được đề cập nhiều là tế bào gốc toàn năng được thấy trong phôi sớm. Với tế bào gốc toàn năng, mỗi tế bào có thể hình thành một cơ thể hoàn chỉnh. Các tế bào gốc ít tiềm năng hơn được thu nhận là lớp sinh khối bên trong (ICM) của phôi giai đoạn blastocyst, chúng được gọi là tế bào gốc phôi vạn năng (pluripotent stem cell). Các tế bào này có thể hình thành bất kì loại tế bào trong hơn 200 loại tế bào của cơ thể. Ít tiềm năng hơn nữa là các tế bào gốc đa năng được thu nhận từ mô thai, cuống rốn và cơ thể trưởng thành. Mặc dù giới hạn trong khả năng biệt hóa, nhưng chúng cũng đã được ứng dụng thành công trong nhiều liệu pháp dựa vào tế bào.

Một ứng dụng nổi bật của nghiên cứu tế bào là cấy ghép tủy xương sử dụng các tế bào gốc trưởng thành. Vào những năm đầu của 1900, các bác sĩ đã tiêm tủy xương vào bệnh nhân bệnh anemia và leukemia. Mặc dù, liệu pháp này lúc bấy giờ không thành công, nhưng các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy chuột khiếm khuyết tủy xương có thể hồi phục lại khi truyền vào máu với tủy xương thu nhận từ chuột khác. Điều này khiến các bác sĩ suy nghĩ là có thể thành công khi cấy ghép tủy xương từ một người vào người khác (đồng ghép). Trong sự nỗ lực sớm, một vài ca cấy ghép được tiến hành ở Pháp sau khi bệnh nhân tai nạn chiếu xạ vào cuối những năm 1950. Việc tiến hành các cấy ghép ở người không được tiến hành diện rộng đến khi các nhà nghiên cứu ở Pháp phát hiện ra một vấn đề quan trọng trong hệ thống miễn dịch.

Vào năm 1958, Jean Dausset lần đầu tiên phát hiện các kháng nguyên tương hợp mô ở người (HLA). Những protein này được thấy trên bề mặt của hầu hết các tế bào trong cơ thể, còn gọi là kháng nguyên tế bào bạch cầu người. Các kháng nguyên nào sẽ tạo cho hệ miễn dịch của cơ thể một khả năng xác định cái nào là của cơ thể và cái nào không phải của cơ thể. Bất cứ khi nào, cơ thể không nhận diện ra kháng nguyên trên màng tế bào là của bản thân, thì cơ thể sẽ tạo ra kháng thể và các chất khác tiêu hủy tế bào.

Việc cấy ghép tủy xương giữa các trẻ sinh đôi đảm bảo sự tương hợp về HLA giữa người cho và người nhận. Đó là loại cấy ghép đầu tiên ở người. Đến những năm 1960, các bác sĩ đã có những hiểu biết khá rõ ràng về sự tương hợp HLA để tiến hành cấy ghép giữa những anh em ruột mà không phải sinh đôi. Năm 1973, một nhóm các bác sĩ tiến hành cấy ghép tủy xương lần đầu tiên giữa những người không quan hệ họ hàng. Việc cấy ghép này sau 7 lần mới thành công.

Các tế bào gốc được phát hiện từ việc phân tích một kiểu ung thư gọi là teratocarcinoma. Vào năm 1964, các nhà nghiên cứu chú ý rằng một tế bào đơn trong teratocarcinoma có thể tách và giữ trạng thái không biệt hóa trong nuôi cấy. Những kiểu tế bào gốc này được biệt là tế bào carcinoma phôi hay tế bào EC. Các nghiên cứu nghiên cứu sau này cũng cho thấy các tế bào mầm ở phôi (embryonic germ cell_EG) cũng có thể nuôi cấy và kích thích biệt hóa thành nhiều kiểu tế bào khác nhau.

Năm 1981, các tế bào gốc phôi (ES) lần đầu tiên được thu nhận từ phôi chuột bởi hai nhóm nghiên cứu độc lập nhau là nhóm của Martin Evans và Matthew Kaufman và nhóm của Gail R. Martin. Gail R. Martin gọi những tế bào này là “tế bào gốc phôi”.​

 

Vào những những năm 1990, việc cấy ghép tủy xương rộng rãi và gặt hái nhiều thành công với hơn 16.000 ca cấy ghép đến nay, trong điều trị bệnh leukemia và khiếm khuyết miễn dịch, hứa hẹn nhiều ứng dụng to lớn. Những tế bào gốc trưởng thành cũng có hứa hẹn lớn trong các lĩnh vực khác. Những tế bào này cho thấy khả năng biệt hóa thành nhiều kiểu tế bào khác như tế bào gan. Những tế bào này có thể hữu ích trong việc sửa chữa cơ quan bệnh.

Năm 1998, James Thompson (Đại học Wisconsin – Madison) được tách từ lớp ICM của phôi sớm và phát triển thành dòng tế bào gốc phôi đầu tiên. Trong cùng năm này, John Gearhart (Đại học Johns Hopkins) thu nhận các tế bào mầm từ tế bào trong mô sinh dục (Primodial germ cell - PGC). Các dòng tế bào gốc vạn năng được phát triển từ cả hai nguồn trên. Những phôi nang sử dụng cho các nghiên cứu tế bào gốc người thu nhận từ các quy trình thụ tinh IVF.​

 

Tháng 3/2001, các nhà khoa học đã thu nhận tế bào gốc từ tuỷ xương chuột, sau đó tiêm vào tim chuột đã bị hư. Tại đây, các tế bào gốc bắt đầu phát triển thành những cơ tim thay thế. Hơn nữa, chúng còn di chuyển vào vùng tim bị tổn thương, sản xuất ra các tế bào mạch máu cần thiết để cung cấp máu cho các cơ mới hình thành. Trung bình sau 9 ngày, các tế bào cơ mới đã có mặt trong 68% phần cơ tim bị hư hại. Thành công này vượt quá sự mong đợi của các nhà khoa học. Giáo sư Francis Collins, Viện nghiên cứu gen người quốc gia Mĩ, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này mở ra hy vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể khôi phục được những cơ tim bị thương tổn sau một cơn đau tim”. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 40% trường hợp thành công. Các nhà khoa học hy vọng rằng những thử nghiệm lâm sàng trên người có thể bắt đầu trong vòng 3 năm tới. Thành công này cũng đưa tới triển vọng rằng những tế bào gốc có thể được lấy từ các động vật khác ngoài phôi người, một vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận.

 

Tạp chí Tissue Engineering số tháng 4/2001, cho biết nhóm chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình Đại học Pittsburgh, Mĩ đã rút mỡ và dịch từ hông, mông và bụng bệnh nhân trong một số ca mổ hút mỡ. Sau đó, họ làm sạch, xử lý chúng bằng enzyme. Kết quả cho thấy chỉ khoảng 0,24 kg mỡ đã có thể cung cấp 50-100 triệu tế bào tương tự như tế bào gốc. Những tế bào thu được có thể phát triển trong xương, mỡ, sụn và mô cơ. Hiện người ta đang thử nghiệm trên chuột nhằm nghiên cứu khả năng dùng chúng để tạo mô xương và mô mỡ của người. Tiến sĩ Marc Hedrick, Đại học Pittsburgh, cho biết: “Mỡ là nguồn cung cấp tế bào gốc lý tưởng, vì nó vừa dễ kiếm lại vừa rẻ. Đấy là chưa kể tác dụng thẩm mỹ”.

 

 

Ngày 30/11/2001, hai nhóm nghiên cứu độc lập tuyên bố lần đầu tiên đã chuyển được tế bào gốc phôi người thành các tế bào não. Đây là bước nhảy vọt trong việc tìm kiếm các liệu pháp chữa trị những thương tổn thần kinh. Hai nhóm nghiên cứu đã sử dụng những kỹ thuật khác nhau nhưng cho cùng một kết quả. Trong cả hai công trình, các tế bào gốc phôi đều được nuôi trên một bề mặt đặc biệt và được tiếp xúc với các loại phân tử tín hiệu (nhân tố sinh trưởng) khác nhau, từ đó biệt hóa thành tế bào não. Tiếp theo, người ta cấy các tế bào này vào não chuột. Trong nghiên cứu đầu tiên, nhóm khoa học tại Bệnh viện Đại học Hadassah ở Jerusalem (Israel) đã biến các tế bào gốc thành tế bào não trong 6 tuần. Sau đó, họ cấy chúng vào não chuột sơ sinh. Các tế bào này sẽ biệt hóa thành 3 loại tế bào não khác nhau: tế bào hình sao, tế bào thần kinh đệm ít gai và các nơron trưởng thành. Nhóm thứ hai do TS Su-Chun Zhang và đồng nghiệp tại trung tâm Waisman, Đại học Wisconsin, bang Madison (Mĩ) thực hiện.

 

Năm 2003, Các nhà nghiên cứu ở Viện Whitehead tuyên bố rằng họ đã thành công trong việc sử dụng các tế bào gốc phôi biệt hóa thành các tế bào đơn bội, là các giao tử. Họ thấy rằng các tế bào gốc phôi bắt đầu biệt hóa thành các tế bào mầm phôi và sau đó chúng biệt hóa thành các tế bào đơn bội. Khi tiêm vào trứng, những tế bào đơn bội này sẽ kết hợp bộ gen và trứng phát triển thành phôi blastocyst in vitro.

 

Tháng 4/2004, các nhà khoa học Australia vừa phát hiện ra răng sữa là một nguồn cung cấp tế bào gốc quý giá. Một ngày nào đó, chúng sẽ được dùng để chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo hay sửa chữa các bộ phận quan trọng trong cơ thể. Các nhà khoa học đến từ Viện Hanson thuộc Bệnh viện Hoàng gia Adelaide cho biết, tuỷ răng sữa là nguồn tế bào gốc rất phong phú và việc khai thác chúng cũng dễ dàng hơn nhiều so với việc chiết xuất từ bào thai - một vấn đề liên quan đến đạo đức còn đang gây nhiều tranh cãi hiện nay.

Ngày 19/5/2004, Ngân hàng tế bào gốc phôi thai đầu tiên trên thế giới chính thức được khai trương tại Hertfordshire (Anh). Ngân hàng này chứa hai dòng tế bào gốc được các nhóm nghiên cứu thuộc ĐH London và Trung tâm sự sống ở Newcastle phát triển.

 

Tháng 8/2004, một hướng đi mới trong việc điều trị bệnh tiểu đường đã hé mở khi các nhà khoa học tại Đại học Toronto, Canada tìm thấy các tế bào gốc trong tuyến tụy của chuột. Tế bào gốc có thể phát triển thành tế bào có khả năng sản xuất insulin. Theo tiến sỹ Simon Smukler, trưởng nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian và công sức tìm kiếm tế bào gốc ở tụy. Vì thế việc hiện ra tế bào gốc trong tụy người trưởng thành sẽ rất có ý nghĩa.

 

Tháng 9/2004, Các nhà khoa học nghiên cứu trên một nhóm bệnh về mắt gọi là bệnh sắc tố võng mạc_các tế bào võng mạc theo thời gian bị thoái hoá, gây giảm thị lực và thậm chí gây mù. Tỉ lệ mắc bệnh này là 1/3500 và hiện chưa có liệu pháp nào tỏ ra hữu hiệu. Martin Friedlander thuộc viện Nghiên cứu Scripps tại La Jolla, Califonia và các cộng sự đã tạo ra 1 dòng tế bào gốc từ tuỷ sống chuột trưởng thành, sau đó tiêm vào mắt chuột mới sinh mắc bệnh võng mạc. Kết quả là các tế bào gốc này đã giúp ngăn sự thoái hoá mắt của chúng. Các nhà khoa học nhận thấy tế bào gốc đã hình thành nên các tế bào hình nón_tế bào giúp nhận biết màu sắc và tạo thị giác tốt. Mắt những con chuột được chữa trị đã cảm nhận được ánh sáng chiếu vào trong khi những con không được chữa trị hoàn toàn bị mù.

 

12/2004, lần đầu tiên các nhà khoa học đã phục hồi khả năng đi lại cho một người bị bại liệt trong 20 năm. Điều kỳ diệu xảy ra sau khi họ dùng tế bào gốc lấy từ máu dây rốn để phục hồi dây thần kinh cột sống bị tổn thương của nạn nhân. Các nhà khoa học tại Đại học Chosun đã tách tế bào gốc từ máu dây rốn ngay sau khi thai nhi chào đời. Số tế bào gốc này được bảo quản trong phòng lạnh và được nuôi trong một thời gian. Sau đó, chúng được tiêm vào bộ phận bị tổn thương trên dây thần kinh cột sống của bệnh nhân Hwang Mi-Soon. Sau một thời gian, điều kỳ diệu đã xảy ra. Người phụ nữ này đã hồi phục khả năng đi lại nhanh đến không ngờ.

 

3/2005, các nhà khoa học Mĩ đã tìm thấy nguồn tế bào gốc phong phú - đó chính là các nang tóc. Lâu nay nguồn tế bào gốc vẫn được xem là một chướng ngại, đặc biệt là vấn đề đạo đức xung quanh việc lấy tế bào gốc từ phôi người. Tóc vốn mọc ra từ các nang, và tế bào nang được hình thành từ một túi tế bào gốc nằm ngay bên cạnh nang. Một số nghiên cứu đã gợi ý dùng loại tế bào gốc này để trị bệnh hói. Phát hiện mới nhất về tế bào gốc nang tóc là khả năng phát triển thành tế bào thần kinh. Tiến sĩ Yasuyuki Amoh, Đại học California, cho biết chúng có thể được dùng trong điều trị các bệnh thần kinh. Amoh và cs nhận thấy tế bào gốc từ nang của lông cứng mọc gần mõm của chuột tiết ra một chất gọi là nestin - một hiệu lệnh "bảo" tế bào gốc phát triển thành neuron. Khi cấy ghép các tế bào nang trên vào phía dưới da chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng phát triển thành các tế bào thần kinh. Không những thế, chúng còn trở thành các tế bào da, tế bào cơ mềm và tế bào melanocyte.

 

10/2005, hai phương pháp này đã được thực hiện thành công trên chuột thí nghiệm, và các nhà nghiên cứu lạc quan rằng quy trình này có thể được áp dụng để tái tạo với các tế bào của con người. Trong nghiên cứu đầu tiên được công bố chi tiết trên tờ báo Nature, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts, đã ức chế hoạt động của gen Cdx2 ở phôi chuột. Điều này giúp ngăn cản hình thành một lớp tế bào được gọi là trophectoderm, ngăn không cho phôi bám vào thành tử cung và không thể trở thành những động vật sống. Họ khẳng định những phôi này có thể sản xuất những tế bào gốc sẽ sống được. Ở nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp sinh sản được gọi là chẩn đoán gen tiền làm tổ để lấy tế bào gốc phôi chuột: một tế bào đơn được lấy từ phôi chuột, đưa vào phần còn lại của phôi để cấy và phát triển như bình thường. Tế bào đơn này đủ để sản xuất nhiều tế bào gốc. Ông Young Chung, một trong những người phụ trách dự án cho biết: “Những tế bào gốc vừa được sản xuất này có khả năng sinh ra mọi tế bào trong cơ thể, kể cả tế bào thần kinh, tế bào xương và tế bào tim đang đập”. Cả hai nhóm nghiên cứu trên đều khẳng định những kỹ thuật thử nghiệm ở chuột này có thể áp dụng ở người.

 

Tháng 04/2007, Một nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Harefield (Anh) lần đầu tiên đã phát triển được một phần của trái tim người từ tế bào gốc. Các cuộc thử nghiệm trên động vật dự kiến được tiến hành trong năm nay, và nếu thành công, nó sẽ mở ra khả năng sử dụng mô thay thế trong các cuộc cấy ghép cho người bị bệnh tim trong vòng ba năm tới. Theo Báo Guardian, nhóm nghiên cứu do bác sĩ phẫu thuật tim M.Yacoub đứng đầu đã trích xuất tế bào gốc từ tủy xương và nuôi dưỡng chúng thành tế bào van tim. Sau đó chúng được đặt vào những "khung" làm bằng collagen, từ đó hình thành mô van tim. Các nhà nghiên cứu Anh nhận thấy van tim mà họ phát triển được có thể hoạt động giống như những van tim người thực thụ. Họ đang hy vọng có thể chế tạo một trái tim người hoàn chỉnh từ tế bào gốc sau 10 năm nữa.

 

Tháng 05/2007, Nữ giáo sư bác sĩ Cinzia Marchese, thuộc Trường Đại học University Sapienza ở Rome, đã công bố nghiên cứu về việc tạo ra các mô âm đạo bằng tế bào gốc trong phòng thí nghiệm để cấy ghép cho những phụ nữ không có âm đạo. Phát biểu với báo chí, giáo sư Marchese, một chuyên gia về bệnh lý học lâm sàng và công nghệ sinh học, cho biết cuộc phẫu thuật đầu tiên để ghép mô âm đạo đã được thực hiện đối với một phụ nữ 28 tuổi vào năm 2006. Người phụ nữ này được ghép một mảnh nhỏ niêm mạc ở bộ phận sinh dục và sau đó, các mô niêm mạc được hình thành và phát triển thành một âm đạo lành mạnh. Giáo sư Marchese nói: “Điều mà chúng tôi làm là lấy một mẫu sinh thiết khoảng 0,5 cm từ nơi mà âm đạo sẽ hình thành. Sau đó dùng một enzym để phân giải mẫu sinh thiết này và để những tế bào gốc tự sản sinh ra những mô niêm mạc mới”. Bà cho biết cần khoảng 15 ngày để có được một lớp mô đủ dày để cấy ghép cho bệnh nhân.

            Tháng 6/2007, Tế bào gốc lấy từ tủy xương đàn ông có thể được điều chỉnh thành những yếu tố tương tự như tinh trùng chưa trưởng thành. Phát hiện sẽ mở ra hướng mới về cách điều trị vô sinh tốt hơn. "Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy các tế bào tiền tinh trùng này phát triển thành tinh trùng trưởng thành, và điều đó sẽ mất 3-5 năm thí nghiệm nữa", giáo sư Karim Nayernia, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Gottingen, Đức, phát biểu. Trước đây, Nayernia đã nuôi các tế bào tinh trùng từ tuỷ xương chuột và sử dụng chúng để thụ tinh cho trứng, tạo ra những con chuột sống. Nếu phương pháp này thành công, các nhà khoa học có thể mang lại khả năng làm cha cho những người đàn ông vô sinh.

            Tháng 9/2007, Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mĩ cho thấy rằng tinh hoàn của nam giới có thể sản sinh vô số tế bào gốc – vốn là những tế bào tinh trùng chưa thuần thục – có thể được sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh. Giáo sư Shahin Rafii thuộc Đại học Y khoa Weill Cornell ở New York (Mĩ) và các cộng sự hy vọng rằng các tế bào loại này đóng vai trò giống như tế bào gốc được tạo ra từ phôi người. Các thí nghiệm thu tế bào gốc dạng này đã thành công trên chuột và các nhà khoa học đang xúc tiến những thí nghiệm trên người. Tiến sĩ Shahin Rafii, thuộc Đại học Y khoa Weill Cornell và là đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Tất nhiên là vẫn còn không ít khó khăn. Chúng tôi phải cố gắng tìm ra những tế bào gốc như thế ở con người, và đồng thời phải khám phá được cơ chế của việc tế bào gốc của tinh hoàn trở về trạng thái tế bào gốc của phôi”. Theo tiến sĩ Seandel, khai thác tế bào gốc dạng phôi từ tinh hoàn là một lĩnh vực nghiên cứu rất thực tế, vì tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra tinh trùng, và khi tinh trùng gặp trứng thì việc thụ thai sẽ xảy ra, từ đó tạo nên một cơ thể có đầy đủ các bộ phận hoàn chỉnh.

            Tóm tắt các thành tựu nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc

            - Vào những năm 1960, Joseph AltmanGopal Das đưa các bằng chứng về sự phát triển tế bào thần kinh mới ở người trưởng thành, họ đề nghị đó là sự hoạt động của tế bào gốc trong não.

            - Năm 1963, McCullochTill đã mô tả sự hiện diện của các tế bào tự làm mới trong tủy xương chuột.

            - Năm 1968, Cấy ghép tủy xương giữa các anh chị em ruột thành công trong điều trị bệnh SCID.

            - Năm 1978, Các tế bào gốc tạo máu được phát hiện trong máu cuống rốn người.

            - Năm 1981, Các tế bào gốc phôi chuột được thu nhận từ lớp sinh khối bên trong bởi các nhà khoa học Martin Evans, Matt Kaufman, và Gail R. Martin. Gail Martin đã gọi các tế bào đó là “Tế bào gốc phôi” (Embryonic Stem Cell).

            - Năm 1992, Các tế bào gốc thần kinh được nuôi cấy in vitro.

            - Năm 1997, Bệnh Leukemia được biết bắt nguồn từ các tế bào gốc tạo máu, lần đầu tiên đưa ra bằng chứng trực tiếp cho tế bào gốc ung thư.

            - Năm 1998, James Thomson và cs thu nhận dòng tế bào gốc phôi người đầu tiên tại Đại học Wisconsin-Madison.

            - Vào những năm 2000, vài báo cáo về tế bào gốc trưởng thành đã được công bố về tính mềm dẻo.

            - Năm 2001, Các nhà khoa học tại Advanced Cell Technology đã nhân bản phôi người thành công đầu tiên (tạo phôi giai đoạn 4-6 tế bào) nhằm mục đích khai thác tế bào gốc phôi.

            - Năm 2003, TS. Songtao Shi của viện NIH phát hiện nguồn tế bào gốc trưởng thành mới trong răng của trẻ.

            - Năm 2004-2005, nhà nghiên cứu Hàn Quốc, Hwang Woo-Suk tuyên bố đã tạo ra một vài dòng tế bào gốc phôi người từ các trứng người chưa thụ tinh. Tuy nhiên, sau này kết quả của ông bị bác bỏ vì không thực.

            - Năm 2005, Các nhà nghiên cứu ở Đại học Kingston, Anh đã tuyên bố phát hiện một loại tế bào gốc giống tế bào gốc phôi được thu nhận trong máu cuống rốn, gọi là các tế bào CBE. Nhóm này cũng đã thành công biệt hóa các tế bào gốc này thành các tế bào trưởng thành.

            - Tháng 8/2006, Tạp chí Cell Journal công bố rằng Kazutoshi Takahashi and Shinya Yamanaka đã cảm ứng các tế bào nguyên bào sợi trưởng thành và nguyên bào sợi ở phôi chuột bằng các nhân tố xác định thành các tế bào vạn năng, gọi là các tế bào gốc vạn năng cảm ứng, (induced pluripotent stem cell_ iPS).

            - Tháng 10/1006, Các nhà khoa học ở Anh đã tạo ra tế bào gan đầu tiên sử dụng các tế bào gốc máu cuống rốn.

            - Tháng 1/2007, các nhà khoa học ở đại học Wake Forset, dẫn đầu là TS. Anthony Atala và Đại học Harvard báo cáo phát hiện một kiểu tế bào gốc mới trong dịch ối. Nó có thể cung cấp một loại tế bào gốc khác với tế bào gốc phôi cho sử dụng trong nghiên cứu và liệu pháp.

            - Tháng 6/2007, nghiên cứu báo cáo bởi ba nhóm khác nhau cho thấy các tế bào da bình thường có thể tái thiết lập chương trình thành các tế bào giai đoạn phôi ở chuột. Trong cùng tháng này, Shoukhrat Mitalipov báo cáo thành công trong việc tạo ra dòng tế bào gốc linh trưởng thông qua kĩ thuật chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (chuyển nhân, tạo dòng).

            - Tháng 10/2007, Mario Capecchi, Martin Evans và Oliver Smithies đã nhận giải thưởng Nobel về Y học cho công việc nghiên cứu về tế bào gốc phôi trên chuột sử dụng chiến lược nhắm mục tiêu gen (gene targeting) tạo ra cá thể con biến đổi di truyền.

 

II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TẾ BÀO GỐC TRONG NƯỚC

            Việc ghép tế bào gốc tạo máu tuỷ xương cho bệnh nhân bị bệnh bạch cầu dòng tuỷ được thực hiện lần đầu tiên vào tháng 7/1995 và ghép tế bào gốc tạo máu ngoại vi tự ghép để điều trị bệnh nhân bị bạch cầu cấp dòng tủy. Ghép tế bào gốc tạo máu từ cuống rốn hiện đã cho kết quả khả quan ở thành phố Hồ Chí Minh và Huế. GS. Trần Văn Bé là người đầu tiên sử dụng tế bào gốc điều trị bệnh trên người ở nước ta. Với phương pháp ghép tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và máu cuống rốn, Viện truyền máu và huyết học Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong trong việc điều trị các bệnh về máu, đặc biệt là ung thư máu.

      Năm 1996, Học viện quân y đã  thành công trong việc cấy ghép tế bào sừng; tiếp thu và ứng dụng nuôi cấy tế bào sợi (fibroblast) - cơ sở để tiến tới  tiếp thu công nghệ tạo mô (trong đó có việc làm da nhân tạo) và dần tiến tới công nghệ tạo các cơ quan phục vụ cho việc ghép mô, tạng.

            Thành tựu về nghiên cứu tế bào gốc phôi ở động vật đi đầu bởi nhóm nghiên cứu của GS. Nguyễn Mộng Hùng (Đại học KHTN Hà Nội) với công trình “Tạo gà Ác tiềm khảm Lương phượng bằng vi tiêm tế bào gốc phôi”. Nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào gốc phôi của gà Lương phượng, tiêm vào trứng chứa đĩa phôi của gà Ác tiềm. Giống gà mới chưa từng được tạo ra trước đó mang đặc điểm của cả hai dòng.

            Sau đó  một năm, nhóm nghiên cứu do GS. Hùng đứng đầu cũng đã thành công trong việc sử dụng tế bào gốc phôi chuột để điều trị chuột chiếu xạ. Thông thường, chuột nhắt trắng bị chiếu xạ với liều 900R sẽ chết sau 6 ngày. Nhưng nhờ vào việc tiêm tế bào gốc phôi vào đuôi tĩnh mạch đuôi chuột, các chuột này có thể sống đến 1 tháng. Trước đó, nhóm nghiên cứu cũng đã phân lập và nuôi cấy tăng sinh tế bào gốc phôi trong 4 tuần.

Cùng nghiên cứu về tế bào gốc phôi còn có nhóm nghiên cứu của TS Bùi Xuân Nguyên (Viện Công nghệ Sinh học). Nhóm nghiên cứu này đã thành công trong việc nhân bản phôi sao la. Năm 1998, nhóm nghiên cứu đã giữ lại một số mẫu tế bào từ con sao la được kiểm lâm Vườn quốc gia Bạch Mã cứu khỏi bọn săn trộm. Không tìm được sao la cái để lấy trứng, họ đã lấy trứng bò, tách nhân và cấy tế bào sao la vào trứng rỗng. Qua quá trình sàng lọc, kích thích phát triển thành phôi, nhóm nghiên cứu đã tạo ra rất nhiều phôi sao la nhân bản và đông lạnh chúng ở -1960C. Trong tương lai, Viện Công nghệ Sinh học còn bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm khác.

Hòa nhịp vào sự phát triển nhanh của nghiên cứu tế bào gốc trên thế giới, Trường ĐH KHTN Hồ Chí Minh với sự khởi sướng nghiên cứu tế bào gốc của PGS Phạm Thành Hổ và ThS. Phan Kim Ngọc, nhóm nghiên cứu này đã gặt hái nhiều kết quả đáng kể.

Năm 2002, thu nhận, nuôi cấy các tế bào gốc từ biểu dì da người, da chuột, da heo.Năm 2003, thu nhận, nuôi cấy các tế bào gốc từ tủy xương chuột nhắt trắng, thành công trong việc tạo ra phôi chuột và phôi heo bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 2004, phân lập, nuôi cấy các tế bào gốc từ phôi chuột bằng phương pháp nuôi cấy phôi nguyên. Trong năm này, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thành công việc cấy truyền phôi trên chuột nhắt trắng. Năm 2005, phân lập, nuôi cấy các tế bào mầm sinh dục (germ cell) từ rãnh sinh dục của chuột 12,5 ngày tuổi. Tiến hành các nghiên cứu đầu tiên về ức chế miễn dịch trên mô hình chuột hướng đến việc cấy ghép tế bào gốc. Trong năm này, nhóm nghiên cứu cũng đã biệt hóa thành công các tế bào nguyên bào sợi từ phôi chuột và các tế bào gốc trung mô từ tủy xương thành tế bào tạo mỡ (adipocyte). Năm 2006, thành công trong việc tạo phôi bò bằng thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng đông lạnh; thu nhận, nuôi cấy Năm 2007, biệt hóa thành công các tế bào gốc trung mô từ tủy xương chuột, từ máu cuống rốn người thành tế bào mỡ, nguyên bào xương và tế bào giống thần kinh; thành công trong việc tạo phôi heo, bò bằng phương pháp vi tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Tháng 9/2007, nhóm nghiên cứu của Th.S Phan Kim Ngọc kết hợp với Trung tâm Đào tạo cán bộ Y tế Tp. HCM và Bệnh viện Mắt đã tiến hành ca ghép tế bào gốc rìa giác mạc đầu tiên trên bệnh nhân mắt.

 

Ngoài ra còn những hướng nghiên cứu khác về tế bào gốc, như nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Thuận. Hiện TS Nguyễn Văn Thuận đang làm tại Phòng thí nghiệm Genomic Reprogramming thuộc trung tâm RIKEN-CBD (Nhật Bản). Genomic Reprogramming, hiểu theo tiếng Việt là "tái thiết lập chương trình bộ gen đã được biệt hóa". Thông thường, tế bào gốc biệt hóa thành một loại tế bào như tế bào da, gan, tim... và chỉ tạo ra đúng lại tế bào đó. Nhưng ngày nay người ta đã biết một tế bào đã biệt hóa vẫn có thể tái thiết lập chương trình (Reprogramming) để trở lại thành những tế bào gốc. Nếu nghiên cứu này thành công, người ta sẽ không cần phải sử dụng phôi nhân bản của người để tạo ra tế bào gốc.

            

Trong thời gian tới, với sự quân tâm và đầu tư của nhà nước, các nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc sẽ gặt hái nhiều thành công trong nhiều lĩnh vực từ y học đến nông nghiệp.

 

-oo00oo-

bottom of page